Gỗ tự nhiên từ lâu đã được ưa chuộng trong thiết kế nội thất hiện đại. Trong đó, gỗ hương có khá nhiều ưu điểm nổi bật giúp cho sản phẩm bền đẹp và được khách hàng ưa chuộng. Vậy bạn đã biết gì về loại nguyên liệu gỗ này? Đặc điểm nào của gỗ giáng hương cho ta nguyên liệu gỗ hàng đầu? Đừng bỏ qua chi tiết về gỗ hương ngay sau đây nhé!
Mục lục nội dung
Tìm hiểu về cây gỗ hương
Nguồn gốc của cây gỗ hương
Cây gỗ hương có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus. Tên tiếng anh là Padouk ( hay Barwood, Barwood, Corail, Mbel, Camwood ). Tại Việt Nam, cây còn được gọi là Giáng Hương hay Dáng Hương. Loài cây này thuộc họ Đậu, nhóm 1 – nhóm gỗ quý.

Cây thích hợp với nhiều loại đất gồm đất đỏ bazan, đất xám. Cây ưa sáng và phát triển mạnh ở những nơi có khí hậu khô nóng, độ cao từ 100 m – 800 m so với mực nước biển. Vì vậy, cây giáng hương phân bố nhiều ở các khu vực Đông Bắc Ấn Độ, Đông Nam Á, Nam Phi. Tại Việt Nam, cây sống ở các vùng rừng thuộc Tây Nguyên, Gia Lai, Nam Bộ, Tây Ninh, Phú Yên, Đồng Nai,…
Đặc tính sinh thái của cây gỗ hương
– Cây chậm lớn, mỗi cây gỗ giáng hương trưởng thành phải mất đến hàng trăm năm. Chiều cao trung bình của cây gỗ giáng hương trưởng thành khoảng từ 20 m – 30 m. Có những cây có thể cao đến 40 m.
– Thân cây gỗ giáng hương có đường kính lớn, có thể đạt đến 100 cm, thậm chí 200 cm.
– Lớp vỏ ngoài của cây có màu nâu xám, vỏ dày từ 15 mm – 20 mm, thân chứa nhiều dầu nên vỏ có thể dính nhựa hơi đỏ. Vỏ sẽ nứt dọc thân khi cây trưởng thành và bong thành từng vảy lớn. Thịt của vỏ có màu hơi vàng.
– Gốc cây có bạnh vè bám vào đất ổn định thân cây.
– Lá gỗ giáng hương thuộc dạng lá kép lông chim, độ dài lá từ 15 cm – 25 cm. Lá hình trái xoan hoặc trứng, mũi lá góc tù, đuôi lá lệch và có từ 7 -11 lá chét. Lá rụng vào mùa khô, khi còn non lá phủ lớp lông dày.
– Hoa cây gỗ hương có màu vàng với kích thước không đồng đều. Hoa mọc thành chùm ở nách lá. Nhụy hoa có cuống. Đài hoa hình chuông. Mùi hoa gỗ giáng hương thơm nhẹ và nở từ tháng 1 cho đến tháng 4.
– Quả giáng hương có hình tròn hoặc dẹt, đường kính quả tầm 5 cm – 8 cm. Quả chín có màu nâu vàng, mép quả mỏng. Hàng năm, quả xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 6.
Đặc điểm nhận biết gỗ hương
– Gỗ hương được lấy từ phần thân cây trong rừng nguyên sinh hoặc rừng trồng.
– Đây là dòng gỗ tự nhiên nên sở hữu vân gỗ đẹp và ấn tượng. Những đường vân sắc nét vẫn được hiện rõ trên bề mặt gỗ với chiều sâu độc đáo, nhiều dải màu, gỗ mịn, nhỏ và không bị xoắn.
– Màu gỗ hương có sự hài hòa giữa sắc đỏ và vàng. Khi còn non, gỗ có màu đỏ nâu nhạt hoặc vàng. Càng về già, gỗ càng chuyển sang màu đỏ đậm.
– Bề mặt gỗ khi xẻ ra khá mịn, thớ gỗ dẻo. Kết cấu gỗ cứng tạo nên chất gỗ chắc chắn, bền và nặng tay. Rác và gỗ đều không sợ bị tấn công bởi mối mọt.
– Sở dĩ được gọi là gỗ hương vì gỗ tự nhiên có mùi thơm nhẹ đặc trưng, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Gỗ cũng không hề độc đối với môi trường và sức khỏe con người
– Dòng gỗ này được phân chia thành nhiều loại được biết đến ở Việt Nam như hương đỏ (gỗ màu đỏ, thớ gỗ mịn, chất gỗ cứng và đặc), hương đá (chất gỗ rắn chắc như đá, đường vân như vân đá quý), hương vân (màu vàng nghệ), hương xám, hương nghệ, hương xoàn, hương huyết,…
– Một trong những cách đơn giản để nhận biết gỗ hương là ngâm vào nước. Nước ngâm sẽ dần chuyển sang màu xanh của nước chè.
Phân loại gỗ hương
Đầu tiên, gỗ hương sẽ được phân loại theo tên tính chất nguyên mẫu của gỗ, không có yếu tố khác tác động. Trong đó, dựa vào màu sắc, vân gỗ, mùi hương cũng như một số tính chất khác mà người ta chia thành các loại như: Gỗ giáng hương ( hương đỏ), đinh hương, hương đá, hương huyết, hương vân, hương nghệ, hương chua, hương thông, hương thối, hương xám,… Còn dựa vào nguồn gốc xuất xứ thì lại có các loại như cây hương Việt Nam, hương Lào, hương Ấn Độ, hương Nam Mỹ, hương Campuchia, hương Thái Lan,… Trong đó có các loại chính như sau:
Gỗ giáng hương
Gỗ giáng hương còn được gọi là hương ta, hương đỏ Việt Nam,… Hiện nay, gỗ giáng hương đã bị cấm khai thác tại Việt Nam bởi số lượng khai thác quá mức khiến gỗ ngày càng trở nên quý hiếm. Trong các loại gỗ hương thì giáng hương được xem là loại gỗ quý nhất và hiếm nhất ở thời điểm hiện tại.
Đặc điểm chính của gỗ giáng hương là có màu đỏ tự nhiên, sắc đỏ tươi và đậm nét kết hợp với những vân gỗ mịn đẹp, tinh tế khiến gỗ giáng hương có giá trị cao. Khi được xử lý và qua một lớp PU bóng mờ, gỗ sẽ có màu cánh dán sang trọng, nổi bật. Trong thủ công mỹ nghệ và sản xuất nội thất, người ta sẽ tẩy gỗ trước khi PU để màu sắc gỗ nhạt hơn và vân gỗ nổi hơn. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng, càng dùng nước để lau thì gỗ sẽ càng đều màu và đỏ hơn.

Thớ của gỗ giáng hương khá nặng, đặc và cứng. Lõi gỗ có khả năng chống mối mọt mà không loại gỗ nào có được. Tom gỗ, sớ gỗ rất nhỏ giúp việc chế tác, thi công đơn giản hơn, không bị nứt vỡ hay cong vênh. Mùi hương của gỗ thơm dịu đặc trưng. Ứng dụng chủ yếu của gỗ giáng hương là tạo ra những sản phẩm nội thất đẳng cấp và sang trọng.
Để nhận biết gỗ giáng hương không thể quan sát bằng mắt thường mà phải lấy mùn gỗ và ngâm vào nước ấm. Sau khoảng từ 1 đến 2 tiếng, nước sẽ có màu vàng và xanh nhẹ giống với nước chè loãng. Hiện nay giáng hương có giá thành rất cao và khó tìm.
Gỗ Hương đá
Hương đá cũng là một loại gỗ cho giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao mà không một nhà sản xuất nào có thể bỏ qua. Sở dĩ được gọi là hương đá vì nhiều lý do, có thể là vì chất gỗ đanh chắc và cứng như đá, cũng có thể là vân gỗ tương tự đá quý, hoặc màu sắc nhạt và nhìn như màu đá nên được gọi là hương đá. Tuy nhiên, nhìn chung thì hương đá vẫn chiếm được sự ưu ái của người dùng bởi các tính chất tuyệt vời.
Đầu tiên là về màu sắc, như đã lý giải ở trên, hương đá có màu đỏ hoặc cam nhưng nhạt hơn so với loài hương đỏ. Càng về lõi thì màu càng đậm hơn, có chiều sâu. Các đường vân gỗ nhỏ, mịn và uốn lượn cực kỳ sắc nét. Từng đường vân mịn, nhỏ, tinh tế, mật độ dày và biến đổi độc đáo khiến cho bất cứ ai cũng phải mê mẩn. Dùng càng lâu thì đường vân của gỗ lại càng sắc nét hơn và nổi lên nhiều hơn. Tom gỗ nhỏ, mịn. Mùi hương của gỗ hương đá thơm cực kỳ nhẹ khi mới cắt, dùng lâu mùi hương sẽ nhạt đi.
Hiện nay hương đá có hai loại là hương đá Nam Phi và hương đá Việt Nam. Cả hai loại đều có thớ gỗ chắc chắn, nặng và đanh, ít bị mối mọt tấn công và giá trị rẻ hơn giáng hương vì nguồn gỗ dồi dào hơn.

Gỗ Đinh Hương
Gỗ đinh hương ở nhiều nơi bị nhầm lẫn thành gỗ giáng hương. Tuy nhiên, hai loại này hơi khác nhau ở màu sắc. So với giáng hương thì đinh hương có màu nhạt hơn và sáng hơn do được trồng chủ yếu ở miền bắc. Gỗ đinh hương thuộc nhóm 2 trong bảng xếp hạng nhóm gỗ Việt Nam. Màu sắc chủ đạo của gỗ đinh hương là vàng đỏ nhưng sắc trầm. Nếu để trong điều kiện ngoài trời thì gỗ sẽ chuyển dần sang màu xám.
Nhờ có dầu gỗ tiết ra nên gỗ có mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ được nhiều người ưa thích. Mùi thơm của gỗ không bị mất đi mà vẫn giữ theo thời gian. Từng thớ thịt và vân gỗ đinh hương đều đẹp mắt, uốn lượn như rồng phượng nên từ xưa đã được vua chúa sử dụng. Chất gỗ đinh hương nặng, chắc tay và sử dụng lâu dài, không bị khô giòn. Các sản phẩm làm từ gỗ đinh hương đều cho cảm giác mát mẻ và mịn khi chạm vào. Gỗ chống được mối mọt và luôn bền bỉ qua quá trình sử dụng.
Gỗ Hương vân
Hương vân hay hương vân Nam Phi còn được gọi là hương nghệ, hương chua,… xuất xứ từ Nam Phi. Loại gỗ này có màu vàng giống như nghệ tươi, khi già thớ gỗ màu đỏ nhạt. Thân cây có vảy, thịt của vỏ khá dày. Lõi hương vân có màu nâu hồng, cứng và chắc chắn, nặng tay. Đặc biệt, phần vân gỗ khá nhiều và xoáy vào lõi rất tự nhiên, nhựa thấm ra có màu đỏ làm vân thêm nổi bật.

Thớ gỗ nhỏ, mịn và chống được mối mọt. Mùi hương của gỗ khi mới cắt sẽ hơi chua và thơm. Tuy nhiên, càng sử dụng lâu thì gỗ lại có mùi chua đậm. Vì thế, ở miền bắc ít khi sử dụng loại gỗ này do thời tiết oi bức, độ ẩm cao, mùi chua của gỗ sẽ trở nên khó ngửi. Dù vậy, đây vẫn là một loại gỗ bền bỉ, giá thành phù hợp nên vẫn được sử dụng ở miền nam.
Gỗ Hương huyết
Hương huyết đã từng là một loại gỗ có mặt khá nhiều ở vùng rừng Quảng Bình, Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình khai thác bất hợp lý, hương huyết Việt Nam đã dần trở nên khan hiếm. Do đó, hiện tại hương huyết được nhập về chủ yếu từ Nam Phi, người ta cũng thường gọi là gỗ hương đỏ Nam Phi hoặc Hương Nam Phi.
Hương huyết đúng như tên gọi, có thớ gỗ đỏ rực khi mới xẻ. Tâm gỗ có màu nâu đỏ bắt mắt và rất đều. Vân gỗ mịn và liền mạch, dát gỗ màu vàng nhạt. Gỗ xẻ để lâu sẽ xuống màu, trở thành màu đỏ cánh gián. Mùi hương huyết thơm nhẹ nhưng càng lâu thì càng mất mùi. Gỗ chắc chắn và bền bỉ, chống mối mọt hiệu quả và được sử dụng nhiều trong thủ công mỹ nghệ. Khi cho vào nước, nước sẽ đổi thành màu đỏ tươi và có váng do tinh dầu. Khi đốt, gỗ có mùi dễ chịu, tàn màu trắng. Hiện đây là loại gỗ dễ chế tác và có giá trung bình trong các dòng gỗ hương.
Gỗ Hương Xám
Hương xám là dòng có chất gỗ sộp, nhiều vân đen trên nền gỗ trắng. Sờ tay lên thớ gỗ không có độ mịn nhưng khi hoàn thiện lại khá đẹp mắt. Dù vậy, đây lại là gỗ có chất lượng kém nhất và giá thành rẻ nhất. Gỗ chế tác xong hay bị cong vênh và co ngót.
Gỗ Hương Lào
Ngoài các loại gỗ hương của Việt Nam và Nam Phi như đã nói ở trên thì thị trường hiện nay còn có các loại gỗ xuất xứ từ các nước khác. Trong đó dễ thấy nhất là hương Lào. Nhìn chung, tính chất của hương Lào và hương Việt Nam giống nhau đến khoảng 95%. Chất lượng gỗ khá tốt, màu gỗ sáng và mịn với các vân gỗ mịn. Mùi thơm của hương Lào dễ chịu và được ưa chuộng vì có độ bền cao, càng sử dụng càng đẹp. Giá trị của hương Lào hiện nay cũng được đánh giá là khá cao trong các dòng gỗ.
Gỗ Hương Campuchia
Với chất lượng tương tự hương Lào, gỗ xuất xứ từ Campuchia có giá trị tương đương. Màu sắc của hương Campuchia nâu hồng và nhiều vân gỗ đẹp. Mùi hương thơm nhẹ và có tính bền, chắc, nặng tay không thua kém hương Việt.
Gỗ hương Nam Mỹ
Cuối cùng, dòng hương Nam Mỹ là dòng có giá trị thấp nhất vì tom gỗ to, ít vân gỗ và khi cắt có nhiều mùn. Gỗ chắc chắn, xứng và cần nặng tay, không bị mối mọt. Mặc dù đáp ứng được yêu cầu bền bỉ nhưng về mặt thẩm mỹ thì gỗ không đẹp và sang bằng những loại khác.
Giá trị quan trọng của gỗ hương
Tại thị trường Việt Nam, gỗ hương ngày càng được ưa chuộng bởi nhiều đơn vị thiết kế nội thất, thủ công mỹ nghệ,… Dù vậy, từ năm 1992, những cây gỗ giáng hương của Việt Nam đã nằm trong danh mục được bảo tồn bởi nạn khai thác quá mức, lâm tặc hoành hành. Tuy cây gỗ vẫn phát triển nhưng ít khi tìm được những thân cây lớn và đẹp. Thế nên giá trị của gỗ hương cũng ngày càng cao và gỗ giả ngày càng tràn lan.

Nguồn gỗ hương hiện nay được nhập khẩu chủ yếu từ Lào, Campuchia và các nước châu Phi. Những cá nhân và gia đình mạnh về tài chính thường mong muốn sở hữu những sản phẩm làm từ loại gỗ này để không gian sống thêm sang trọng và đẳng cấp. Đồng thời, để gỗ tôn lên được vẻ đẹp tự nhiên thì công việc chế tác và chạm khắc cũng cần phải tỉ mỉ, công phu, khiến giá thành sản phẩm càng tăng thêm nữa.
Tại thị trường Việt Nam, giá của gỗ hương chênh lệch theo xuất xứ, giá nhập, phí vận chuyển, khai thác, loại gỗ nguyên liệu,… Trong đó, hương Nam Phi giá khoảng 20 triệu đồng/ m3, hương Lào trên 35 triệu đồng/ m3. Còn tính theo tấm xẻ thì đường kính trên 30cm, chiều dài 1 m – 3 m, giá gỗ khoảng 18 triệu đồng – 34 triệu đồng.
Phân biệt gỗ hương và gỗ xà cừ giả gỗ hương
Vì là loại gỗ quý và đắt đỏ nên gỗ hương được rất nhiều người săn lùng. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó mà gỗ bị làm giả khá nhiều. Trong đó, gỗ xà cừ được dùng nhiều nhất để làm giả gỗ hương. Một số điểm mà bạn có thể quan sát để phân biệt hai loại gỗ này như sau:
– Về vân gỗ: Gỗ xà cừ có vân không tự nhiên và không đẹp.
– Về thớ gỗ: Xà cừ dễ bị nứt nẻ, không chắc chắn như các loại gỗ giáng hương hay hương đá, hương vân,…
– Trọng lượng của gỗ xà cừ nhẹ hơn và cầm không chắc tay.
– Mùi thơm của gỗ hương rất đặc trưng, còn xà cừ không có mùi thơm.
– Bạn có thể dùng giấy nhám chà lên gỗ xem có xuất hiện màu đỏ không, nếu không có thì chắc chắn là gỗ xà cừ.
Ứng dụng của gỗ hương trong nội thất
Bàn ghế sofa
Các bộ bàn ghế sofa làm từ gỗ hương thường bao gồm trường kỷ, ghế tựa ngắn, đôn và bàn trà. Khác với sofa bọc đệm thông thường, sofa làm từ gỗ quý như hương đỏ, đinh hương,… đều được để trần nổi bật vân gỗ tự nhiên. Các chi tiết ghế được chạm trổ tinh xảo và tỉ mỉ nhằm giữ nguyên được vẻ đẹp sang trọng và cổ điển. Bàn trà có thể kết hợp với kính cường lực để giúp gỗ óng đẹp hơn, thẩm mỹ hơn. Hiện nay, bạn có thể tìm những bộ bàn ghế sofa kiểu dáng chữ L, chữ U,… thích hợp với các phòng khách cổ điển.
Bàn làm việc giám đốc
Bàn làm việc dành cho giám đốc, trưởng phòng thiên về sự đồ sộ, giúp người dùng thể hiện được đẳng cấp vượt trội. Vì vậy, một trong những nguyên liệu được sử dụng để làm bàn giám đốc chính là gỗ hương. Gỗ có tính bền bỉ, chắc chắn và ổn định. Thớ gỗ màu đỏ (hoặc cam đỏ, xám thiên đỏ) dễ dàng phù hợp với cách trang trí nội thất của các văn phòng. Ngoài ra, gỗ rất dễ chế tác nên một chiếc bàn giám đốc có thể thêm các hộc tủ để đặt máy vi tính, tài liệu,… vô cùng tiện dụng.
Kệ tivi gỗ hương
Phòng khách không thể thiếu được kệ tivi. Trong đó chất liệu hương đá, hương Nam Phi,… được sử dụng để chế tác kệ tivi giúp không gian thêm sang trọng và hiện đại. Kệ tivi có đặc điểm là được chạm trổ nhiều họa tiết, hoa văn hợp với sở thích của chủ nhà và phong thủy. Nước gỗ lên đẹp, càng sử dụng càng nổi bật vân tự nhiên, sắc nét. Kệ vừa dùng để đặt tivi, đồ trang trí, vừa là điểm nhấn của căn phòng.
Tủ quần áo
Một trong những sản phẩm được nhiều người lựa chọn nhất chính là tủ quần áo làm từ chất liệu gỗ bền bỉ, chắc chắn – gỗ hương. Đặc tính của loại gỗ này chính là chống được mối mọt. Vì thế, khi sử dụng để chứa quần áo, vật dụng, bạn sẽ không sợ tủ bị hư hỏng, xuống cấp. Thiết kế tủ quần áo gồm có nhiều kiểu dáng đa dạng. Tủ hai buồng, ba buồng, thậm chí 4 buồng đều được chạm khắc tinh tế nhằm thích hợp với sự yên tĩnh, thư giãn của phòng ngủ đồng thời không khiến sản phẩm bị đơn điệu.
Bộ bàn ghế ăn
Bộ bàn ăn cao cấp làm từ gỗ hương hiện nay cũng được người tiêu dùng ưu ái. Để giúp bữa cơm thêm ngon miệng và ấm áp thì không gì thích hợp hơn bàn ăn có mùi thơm thoang thoảng và màu sắc đỏ nổi bật. Bàn ăn thường có thiết kế hình tròn hoặc vuông, vát cạnh an toàn. Mỗi bàn thường đi kèm từ 4 đến 10 ghế.

Điểm đặc biệt của bộ bàn ăn sẽ thường nằm ở chân bàn ghế và lưng ghế. Lưng ghế sẽ được trổ hoa văn tinh xảo, hợp phong thủy. Ngoài ra, mặt bàn sẽ được đặt thêm một tấm kính cường lực vừa với kích thước để giúp bàn ăn dễ vệ sinh, luôn sáng đẹp.
Tủ sách gỗ hương
Ở những căn biệt thự, nhà phố có diện tích phòng khách lớn, một mẫu tủ sách làm từ gỗ đinh hương hay giáng hương đều khiến phòng khách trở nên đẳng cấp và quý phái hơn hẳn. Người ta thường phủ kín tường phòng khách bằng giá sách kích thước lớn, nhiều ngăn kệ và có hệ thống tủ bên dưới. Nhờ có màu đỏ tự nhiên nên giá sách trở thành một điểm không thể bỏ qua của cả căn phòng. Cho dù bạn chứa đồ trang trí, sách vở hay rượu, tivi cũng đều phù hợp. Giá sách có thể có thêm hoa văn độc đáo ngay trên nền gỗ.
Gỗ hương là một loại gỗ thuộc nhóm quý hiếm nên giá trị sử dụng cũng như giá trị kinh tế đều cao. Các sản phẩm nội thất được sản xuất từ dòng gỗ này cũng chiếm được sự ưu ái của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có được sản phẩm chất lượng, không gặp phải hàng giả thì các bạn hãy liên hệ đến các nhà cung cấp nội thất uy tín tại Việt Nam. Chúc các bạn có sản phẩm nội thất đẹp, sử dụng lâu dài, bền bỉ!
Tổng kho nội thất văn phòng và gia đình #1 Hà Nội
Mua nội thất giá rẻ đến: noithatluongson.vn